Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Âm nhạc giúp ta thư giãn để giảm căng thẳng và mệt mỏi, âm nhạc cũng giúp tinh thần ta phấn chấn hơn để bắt đầu một công việc mới.
Với trẻ mầm non âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, âm nhạc có ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện cơ thể trẻ. Âm nhạc còn là phương tiện nâng cao khả năng trí tuệ, phát triển thể chất, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, củng cố kiến thức trẻ qua học tập, vui chơi. Quá trình trẻ tiếp xúc và hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc, chơi trò chơi âm nhạc... sẽ hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, là sự phát triển về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực. Giáo dục âm nhạc là giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ. Giáo dục âm nhạc hình thành cho trẻ lòng yêu thiên nhiên, Tổ quốc, tình yêu thương con người. Việc cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc ngay từ những năm đầu đời giúp các em học âm thanh và ý nghĩa của từ. Đối với trẻ em, âm nhạc giúp tăng cường trí nhớ, đồng thời mang đến niềm vui và từ đó cải thiện mức độ khỏe mạnh toàn diện. Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong chương trình giáo dục mầm non. Dạy âm nhạc cho trẻ mầm non, không phải để tương lai các con sẽ trở thành ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh, mà để các con thêm hiểu, thêm yêu cuộc sống. Âm nhạc được ví như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta. Với mỗi đứa trẻ, chẳng có thứ âm nhạc nào thân thương hơn những bài hát ru của bà, của mẹ, những âm thanh, giai điệu tự nhiên của cuộc sống. Những hiện tượng của cuộc sống được phản ánh trong các tác phẩm âm nhạc đồng thời cũng là kho kiến thức khổng lồ làm phong phú thêm vốn hiểu biết của trẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh của các con lớp 3 tuổi A2 trong giờ âm nhạc: